Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Để mỗi ngày có thể chọn một niềm vui.

Thấy bài viết này hay quá, đúng với một phần phương châm sống của mình nên xin phép mang về nhà, để lâu lâu đọc lại, cũng như là tự nhắc nhở mình vậy.

Quy luật của xe chở rác

Một hôm tôi nhảy vào một chiếc taxi để ra phi trường. 
Đang chạy đúng làn bỗng từ bãi đậu xe phía trước một chiếc xe màu đen phóng ra. Người lái taxi phanh kêu một tiếng két và tránh không va chạm xe kia trong đường tơ kẽ tóc.
Người lái xe kia ngoái đầu mắng chúng tôi.
Người lái taxi chỉ cười vẫy chào lại.
Thế nên tôi hỏi "Sao anh hiền vậy? Anh kia suýt tông hư xe anh và mình có lẽ đã phải nhập viện". 

Bấy giờ anh lái taxi dạy tôi bài học này, tôi gọi nó là
'The Law of the Garbage Truck.' (Quy luật của Xe Chở rác). 
Anh giải thích rằng nhiều người cứ như là cái xe chở rác vậy. Họ chạy vòng quanh mang theo đầy rác, đầy bực dọc, đầy nóng giận và chán chường. Vì rác của họ đầy ắp, họ cần nơi đổ rác và đôi khi họ trút lên bạn. Đừng mang nó vào mình. Chỉ cần mỉm cười, vẫy chào, chúc điều tốt lành rồi ta cứ đi tiếp. Đừng thèm lấy rác đó rồi mang rải cho người khác nơi làm việc, nơi dọc đường hay mang về nhà. Người thành đạt quyết không để cho mấy cái xe chở rác làm hỏng ngày sống của mình.   Cuộc đời quá ngắn để mà cứ sống trong hối tiếc, vậy nên...
Hãy yêu thương người cư xử tốt với mình và cầu nguyện cho ai xử tệ.   
Cuộc sống này ta tạo nên nó chỉ 10% còn 90% là tùy thuộc cách ta tiếp nhận nó.

David J. Pollay viết bài Quy luật của xe chở rác sau khi chứng kiến sự việc này từ trong một chiếc taxi ở thành phố New York mười tám năm trước.

Vùng Tàu trong mắt tôi

Vũng Tàu trong mắt tôi, những ngày tết Độc lập 2011.

 
Nắng sớm trên Bãi Dứa.


Bình yên Bãi Trước
 
Bãi Sau - nhìn từ núi Lớn



Vũng Tàu giờ chính Ngọ
 
Phố xá hôm nay


Ráng chiều...


Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Tình người thì hiện tại.

Tình người thì nay sao toàn xảo trá, bán mua và hằn học. Cứ mở mạng ra là thấy đấu đá, lọc lừa, đâm chém lẫn nhau. Vậy nên đọc bài viết này (http://www.tienphong.vn/Phong-Su/553057/Don-xin-hien-xac-con-trai---Man-hon-nuoc-mat-tpp.html) mình xúc động quá. Ít ra trong hỗn độn những thói đời dối gian, hiểm độc đó, thì hiện tại vẫn cón những tình cảm lung linh.

Trừ kẻ khiến anh Đức sống đời thực vật, những nhân vật còn lại trong câu chuyện trên, dù có thể họ đối nghịch nhau trong suy nghĩ, cách làm nhưng đều khiến mình cảm động.

Mình cảm động trước những đớn đau tinh thần và lòng quả cảm của ông bà Đạt. Đúng như ông bà đã nói, người đời có thể hiểu và chia sẻ, có thể báng bổ và khinh rẻ nhưng mình nghĩ mấy ai suy nghĩ và hành động được như ông bà. Hổ dữ không ăn thịt con, cha mẹ nào mà không đau xót. Sự hy sinh ở đây (nếu xảy ra), đúng với nghĩa đen của nó, vẫn giúp ích được cho đời.

Mình cảm động trước những khó khăn, vất vả, và nhất là những thiệt thòi của chị Hạnh. Mình cảm phục trước sự kiên định của chị. Một ngày cũng là nghĩa vợ chồng, thế nhưng thời nay mấy ai còn tâm niệm được như vậy, trong hoàn cảnh này.

Sẻ chia, thương xót với gia đình, chẳng biết gì hơn, mong sao sóng lặng và bình yên trở về, dù khó.

Hụt hẫng!

Ý định làm một series bài về các mảnh đất vùng biên đã bị dội một gáo nước lạnh, ngày 24/09/2011.

Số là hôm đó đi cửa khẩu Chàng Riệc - huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Lên đến Km0, vừa rút máy ảnh ra chụp được hai kiểu thì một chú sĩ quan biên phòng chạy lại bắt xoá. Lý do à? Cấm chụp hình ở khu vực biên giới. Hình như quy định là thế thật, vì chủ quyền, an ninh quốc gia mà. Chỉ tiếc là trên đường đi lên không thấy biển cấm để mình khỏi bị quê, nhất là khi chú ấy bảo, vì quen chứ không là tịch thu luôn máy ảnh của anh.

Nhưng mình sẽ vẫn tiếp tục. Vào một dịp khác. Ở những địa điểm khác. Kể cả cửa khẩu Chàng Riệc.

Có chăng là nên rút kinh nghiệm, không đến quá gần đường biên.

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Cửa khẩu Kà Tum (17/09/2011)

Cửa khẩu Kà Tum nằm trên địa bàn huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, giáp ranh với Memut, tỉnh Kongpongcham, Campuchia.


Dù số lượng hàng hoá xuất nhập khẩu qua đây khá lớn nhưng mới chỉ có 1 barie bằng gỗ phân chia hai nước bạn, mình.
Hàng hoá xuất khẩu chủ yếu là đồ gia dụng.
Hàng hoá nhập khẩu là nông sản, gỗ đã qua chế biến.

Đã có quy hoạch chi tiết nhưng không biết đến bao giờ thì dự án trên trở thành hiện thực.


Phía xa xa là đất nước bạn.


Dân cư khu vực cửa khẩu thưa thớt, đìu hiu.



Hai bên đường vào cửa khẩu là ngút ngàn rừng mía, cao su và khoai mì.


Dù vậy, công tác giáo dục rất được địa phương chăm lo. Ngôi trường này, hy vọng sẽ là vườn ươm những tài năng xây dựng nên một Kà Tum mạnh, đẹp.


Cửa khẩu Mộc Bài (01/09/2011)

Mình sẽ cố gắng ghi lại hình ảnh những mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, ở mỗi nơi có dịp đi qua. Đặt chân lên đó sẽ cảm nhận được một phần máu thịt của chúng ta. 

Để thêm yêu hơn đất nước, tổ quốc mình.


Cột mốc chủ quyền ở điểm 0, phân chia ranh giới hai nước Việt Nam - Campuchia. Phía xa là cửa khẩu Bavet của nước bạn. Biên giới này được xác lập giữa hai tỉnh: Tây Ninh của Việt Nam và Svay Rieng của Vương quốc Campuchia. Cột mốc được hai bên dựng năm 2006.

Cửa khẩu Mộc Bài, nhìn từ phía nước bạn. Cửa khẩu được xây dựng, mô phỏng theo truyền thuyết Lạc Hồng.


Nhìn hoành tráng vậy nhưng cực kỳ bất tiện. Chỉ có ba cửa làm thủ tục xuất cảnh, ba cửa làm thủ tục nhập cảnh. Thế nên giờ mở cửa và đóng cửa, luôn xảy ra tình trạng quá tải. Lại một sản phẩm của tầm nhìn..."ngắn" (hạn).


"Tự tình quê hương" cùng ca sĩ Cẩm Ly.

Đêm thứ 7 ngày 17/09/2011.

Lần đầu tiên mình đi xem ca nhạc ở rạp.

Cũng là nhờ vợ. Không biết vọc vạch từ đâu mà biết được liveshow của Cẩm Ly. Tiếng là chiều vợ nhưng thực ra mình cũng mê Cẩm Ly hát lắm. Lý do là vì chị ấy hát dân ca, hát hay và truyền cảm. Nghe mộc mạc, gần gũi thằng dân quê như mình.


Đây là đêm diễn thứ hai. Chắc vì vậy nên nhà hát Hoà Bình vẫn còn ghế trống. Thế nhưng nhìn người già, kẻ trẻ chăm chú theo dõi từ đầu đến tận nửa đêm mới thấy dân ca vẫn còn sức hút ghê gớm. Xã hội mà, có kẻ nghiền nhạc "sạn" nhưng vẫn còn người tha thiết với giai điệu quê hương.


Ba chị em hội ngộ
Bản thân mình thì cứ mỗi lần Cẩm Ly cất giọng là lại nổi hết da gà. Mấy "thằng" báo chí lề trái, thêm một chị Tư này nữa, làm mình yêu quê hương quá đi mất. Đúng là "bọn phản động".

Khách mời: "chị" Hoài Linh

Chỉ tiếc là đám fan trẻ ồn ào quá, khiến mọi người khó chịu và đêm nhạc thi thoảng bị loãng.

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

Em Nhí (08/09/2011)

Mùa hè, đang ở nhà, "cục kít thúi" em mở tủ lôi ra chiếc áo ấm đòi mặc. Gớm, mới chút xíu mà cũng đã biết làm duyên trước ống kính, giống chị Hai.



Trung thu ký ức!

Trung thu, giờ là của các con. Ba thì không, dù bây giờ người ta đã, đang biến Trung thu thành của luôn người lớn.

Trung thu của ba chỉ là ký ức. Gần đến Trung thu của các con, ba "ké" một chút về ký ức, với những tết Trung thu của mình.

Ba không còn nhớ rõ lắm, mình bắt đầu biết về tết Trung thu từ khi nào. Ba chỉ nhớ về chú Cuội, cô Hằng của những ngày mài đũng quần cùng lũ bạn, qua sách vở và lời dạy của thầy, cô.

Chị Hai cùng các bạn chăm chú theo dõi chú Cuội, cô Hằng
Tết Trung thu xa nhất ba nhớ chắc là ngày bà nội các con còn làm việc "quốc doanh". Hồi đó ông bà nội và ba còn ở Nầm - thị tứ của huyện nhà. Những ngày Trung thu, ba cùng đám bạn con đồng nghiệp của bà nội rủ nhau làm đèn lồng, rồi tối đến, dưới ánh trăng sáng vạng (như bây giờ, ở quê) tụi ba chơi trò rồng rắn lên mây. Hồi đó tụi ba chỉ biết, và hiểu, tết Trung thu thì xách đèn lồng ra sân xí nghiệp chơi rồng rắn lên mây. Bây giờ thì được gọi là múa lân, rước đèn ông sao đấy các con ạ.
 
Chỉ ít phút nữa thôi, ánh hoàng hôn này ở quê ta sẽ thay bằng ánh trăng sáng vạng
Nói về đèn lồng. Tất cả đèn lồng của tụi ba hồi đó đều là tự làm. Cả nhóm kéo nhau đi tìm que tre, nứa. Rồi thì giấy màu, dây thun, chỉ may, cơm nguội. Cả nhóm hì hục cắt dán, tạo hình để làm nên những chiếc đèn lồng xộc xệch, nhưng dễ thương.

Àh, ngày tết Trung thu tụi ba còn được các cô chú công đoàn xí nghiệp tặng quà nữa chứ. Đó là những chiếc bánh chưng (loại nhỏ), bánh chuối. Những chiếc bánh theo ba, theo tết Trung thu của ba đi đến hết phổ thông tiểu học, tại quê nội của con bây giờ, bởi những ông, bà làm cán bộ thôn nơi hai Cụ con sống hiện nay.


Quê mình đó con.
Ngày ba lên trung học, cũng là khi ba đã chuyển về ở cùng ông bà nội, cũng là ngày ký ức về Trung thu của ba không còn. Ba bỏ đi theo tuổi lớn đến trường. Còn trung thu ở lại cùng các chú các cô nhỏ hơn.

Tết Trung thu của chị Còi.

Trung thu ngày nay của các con hơi khác. Đèn lồng đủ loại, nhiều hình dáng, màu sắc hơn. Bánh chưng, bánh chuối của ngày xưa được thay bằng các loại bánh trung thu bày bán cả ra đường. Cũng phải thôi, Trung thu nay đâu chỉ còn của riêng tuổi thơ các con. Người lớn tìm đủ lý do lễ tết, dùng cả ngày của tụi con để biếu xén, nịnh nọt.

Trung thu ở thời nào trước hết cũng vẫn là ngày tết của tuổi thơ các con ạ. Sự thay đổi, là lung linh hay méo mó cũng chỉ là do tác động của thời gian và con người. Dù sao các con và con của các con - cháu của ba sau này sẽ vẫn được đón những tết Trung thu ý nghĩa của tuổi thơ mình.



Cửa khẩu Cầu Treo: vì sao bị "treo"?.

Từ nhỏ tới lớn mình chưa từng bước chân qua khỏi thị trấn Trung Tâm (nay là thị trấn Tây Sơn). Đi ra, khi giới thiệu là người Hương Sơn, hầu như ai cũng biết quê mình có cửa khẩu Cầu Treo. Ậm ừ chữa thẹn, để vừa rồi mới đặt chân lên được mảnh đất vùng biên này.

Mình là người miền núi, nhớ nhất là câu giảng của cô giáo Địa lý: miền đất bán sơn địa. Chả thế, đứng ngay cửa nhà trông ra là thấy núi, thấy đồi.

Thế nhưng hôm nay mình thấy rừng, trùng điệp và hùng vĩ, xanh tươi.

Qua khỏi thị trấn Tây Sơn, con đường 8A trở nên vắng vẻ, chỉ thấy rừng với rừng, giữa màu trắng của mây.


Hồi còn học phổ thông, ngày nào đi học về cũng phải cùng đám bạn dè chừng từng đoàn xe tải nối đuôi nhau ngược xuôi. Chưa hiểu gì nhiều nhưng cũng đoan chắc là giao thương Việt - Lào phát triển lắm. Cùng với việc ai ai cũng biết về cửa khẩu Cầu Treo, lâu nay mình vẫn nghĩ chắc là ở đó đông vui, nhộn nhịp lắm.

Bé cái lầm. qua khỏi Khu kinh tế cửa khẩu đìu hiu, càng lên cao, qua những khúc cua ngoặt nghèo, xe cộ qua lại càng ít. Chỉ còn thấy nắng trên cao và tiếng gió rít bên hai cái lỗ tai càng lúc càng lùng bùng vì áp suất.

Thì ra cửa khẩu đang được xây dựng lại. Chắc vì vậy nên hoạt động xuất nhập khẩu của cả hai bên ít đi. Tự mình trả lời vậy nhưng đám bạn đi cùng đưa ra một lý do nghe mà buồn quá. Do chính sách của chính quyền địa phương nên doanh nghiệp, tư thương đã bỏ chạy hết sang các cửa khẩu khác như Cha Lo (Quảng Bình), Lao Bảo (Quảng Trị),... Đúng rồi, kinh tế thị trường, ở đâu thông thoáng, sinh lợi thì người ta chọn. Người ta nghỉ chơi với mình, không phải một người mà cả tập thể thì rõ ràng cách nghĩ, cách sống của mình có vấn đề. Chung quy thiệt nhất là mảnh đất bán sơn địa nắng, gió, bão lũ của mình.

Khu vực cửa khẩu, dù là ngày thường nhưng vắng như chùa bà Đanh

Bây giờ người ta nhắc nhiểu đến cửa khẩu Cầu Treo chắc chỉ là bởi những vụ buôn bán ma tuý bị phanh phui xảy ra như cơm bữa.

Thất vọng quay trở về trên con đường 8A bụi bặm, đầy ổ gà mà băn khoăn: Đầu tư tiền của mở rộng quốc lộ để phục vụ việc gì khi chỉ đổi lại là những kiện cáo của người dân về công tác đền bù?.

Hy vọng ngày nào đó, cửa khẩu Cầu Treo sẽ hết bị "treo" như hiện thực bây giờ.

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Nếu các đội bóng nghỉ chơi.

Vừa xem xong bản tin thể thao 24/7 của chương trình thời sự VTV. Bức xúc trước công tác tổ chức, điều hành của Ban Tổ chức V.League, bầu Kiên doạ yêu cầu Eximbank cắt tài trợ và các câu lạc bộ nghỉ chơi.

Chợt giật mình nghĩ, biết đâu các câu lạc bộ bỏ giải thật. Bóng đá bây giờ thuộc về các doanh nghiệp. Mà doanh nghiệp thì người ta "thực dụng" lắm. Các bác Liên đoàn mà cứ ôm cái tư duy, lối làm việc như thời bao cấp thì có khi cái tên V.League biến mất thật chứ chẳng đùa.

Cá nhân mình, hình dung đến cảnh đó lại thấy thích. Từ lâu lắm rồi, tình yêu bóng đá (nội) của mình không còn nữa. Những ai giống mình chắc đều có lý do. Mà giải thích cho lý do đó chắc chẳng ai rõ hơn các bác Liên đoàn.

Bỏ tiền cho bóng đá chuyên nghiệp mà đổi mới nửa vời kiểu này thì ai còn mặn mà.

Hơn mười năm V.League chỉ thấy mỗi giá, lương cầu thủ ngày một tăng là điểm "phát triển" duy nhất.

Hơn thua cũng một kiếp người

Sang - nghèo cũng một kiếp người.

Thiện  - ác cũng một kiếp người.

Vậy sao không sống một kiếp người đó cho ý nghĩa nhất?.

Mình không có ý áp đặt hay cổ xuý cho lối sống của mình. Tuy nhiên, vì nhìn nhận về kiếp người như trên nên mình luôn cố gắng sống với phương châm: Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui...

Nhắc đến điều này vào thời điểm này là do ngày hôm nay mới đi đám tang đứa em thằng bạn ở Vũng Tàu về. 31 tuổi, độc thân, chú ấy ra đi khi ước mơ, sự nghiệp còn dang dở. Chia buồn cùng gia đình, thắp cho chú ấy nén nhang, mình cố gắng không nghĩ đến kiếp người để tránh rơi nước mắt.

Đến, rồi chợt đi, đâu ai biết.

Đã lâu nay mình tâm niệm cuộc đời là cõi tạm. Vì vậy mình luôn mong muốn sống sao cho ý nghĩa nhất, vui vẻ nhất - từng ngày, từng ngày một. Xuất phát từ suy nghĩ đó mình đã cố gắng gạt bỏ những bon chen dục vọng, những lợi dụng, lọc lừa, và nhiều lúc tự cho mình quyền lười biếng và hưởng thụ.

Có thể mình đang lạc lõng trong một xã hội của những cạm bẫy, ganh đua hiện nay. Nhưng thôi, mình bằng lòng với cuộc sống hiện nay, và thanh thản.




Viết ra những dòng này cũng là để các con mình hiểu. Có thể vì phương châm sống đó mà mình khiến con cái thiệt thòi. Nhưng nếu chúng thấm nhuần được cảm nghĩ của ba và cũng xem kiếp người là một cuộc dạo chơi thì ba chúng sẽ không còn có lỗi.


Ba sẽ không áp đặt, nhưng ước gì các con cũng sẽ lựa chọn phương châm sống: mỗi ngày ta chọn một niềm vui. Niềm vui đó có thể đến từ quá trình lao động, học tập, khám phá đất nước quê hương, hưởng thụ cuộc sống. Hoặc lớn nhất là ngày đó ta vui vì không làm điều gì có hại cho ai, để đêm về cao gối ngủ ngon.

Hơn thua cũng một kiếp người.

P/S:  Trên đây là hình hai chị em "cục kít thúi" của ba đi thăm mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú (ngày 11/05/2011) trong chuyến về thăm quê nội.

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Khất thực kiểu...Hollywood

Đêm 06/09/2011, nhậu ở đường Đồ Chiểu (Vũng Tàu) gặp hình ảnh lạ: khất thực với thú cưng. 

Giống các sao Hollywood vậy ta!


Một thoáng Kuala Lumpur

Qua Kuala Lumpur được hai ngày. Chẳng đi được nhiều. Vậy nên cảm nhận về thành phố này cũng ít.

1. Loè loẹt, diêm dúa giống phố Tàu:


2. Cái "giá" của nền công nghiệp...khá phát triển ở Malaysia là người dân "phải" đi xe Proton - một hãng xe trong nước. Cứ lẹt đẹt như Việt Nam hoá ra người dân lại sướng, cứ Toyota, Honda,... mà cưỡi.



3. Thành phố của những mảng xanh: Mật độ xây dựng thấp nhưng công viên cây xanh ở Kuala Lumpur rất nhiều và rộng lớn.


Cái lý của cái tình

Xin giải thích trước: cái tình ở đây chỉ đơn thuần là tình thân, giữa người với người.

Tình thân xuất phát giữa người và người từ sự quen biết, đồng cảm.

Mình luôn muốn có thêm những mối tình thân. Nó quý giá lắm, nhất là những người tha phương như mình.

Đến một lúc, bình tâm nhìn lại mình, những tình thân của mình, và của mọi người xung quanh, chợt nhận thấy có những tình thân chưa chắc đã xuất phát từ sự đồng cảm.

Mình luôn tâm niệm, mong muốn hoà đồng. Vậy nên luôn nhiệt tình với những tình thân. Mình trân trọng những mối quan hệ đó lắm. Và mình luôn hết mình, vô tư trong sáng với những quan hệ đó. Chuyện

Nhưng tình thân đến với nhau trước hết nên hãy xuất phát từ sự đồng cảm. Sự gượng ép trong khuôn sáo, hay bản chất thật của những tình thân đó rồi cũng sẽ phát lộ. Tại sao phải gượng kết tình thân với ai đó chỉ để lợi dụng người ta?

Xin hãy để mình vẫn nhiệt tình và vô tư với những mối tình thân.

Chưa xong. Đang lủng củng, hôm sau sửa lại...

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

Tru còi (02/9/2011)


Lúc đầu không định đưa hình hai "cục kít thúi" lên đây. Nhưng nghĩ lại, thấy nên đưa. Vì vậy từ bây giờ, rảnh sẽ tìm lại hình cũ up lên. Về sau cũng sẽ chụp thêm và up tiếp. Hình sẽ ghi rõ chú thích thời gian, địa điểm chụp, mai mốt hai cục cưng lớn lên tự vô đây mà xem mình hồi bé nhé, các con yêu!

Ngồi chờ ba vá vỏ xe bên lề đường ở TX. Bà Rịa, ngày lễ Độc lập năm 2011

Bên bờ biển TP.Vũng Tàu, chiều 02/9/2011